1. Người làng Đông Hồ không còn mặn mà với tranh
Đình làng vẫn còn đây, tên làng vẫn như vậy, thế nhưng không khí tấp nập của những ngày cả làng làm tranh từ tháng 8,9 âm lịch chuẩn bị cho 6 phiên chợ tranh vào tháng Chạp chỉ còn trong kí ức. Giờ đây vào giữa tháng 10 âm lịch, cả làng Đông Hồ cũng tấp nập làm nghề, nhưng làm nghề khác. “Chúng tôi giờ đây làm Hàng Mã, chứ không làm tranh, vì làm tranh thì không bán được cho ai, chỉ có mỗi nước ngoài người ta mua thì không đủ tiền để sống qua ngày." Bà Nguyễn Thị Hương, người làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Khi xưa, làm Mã và làm tranh là hai nghề chính của người làng Đông Hồ vốn nổi tiếng khéo tay. Mã thì cứ làm từ Tết ra đến rằm tháng 7, rồi sau tháng 7, chẳng ai bảo ai, cả làng lại chuyển sang làm tranh. Thế nhưng khi cuộc sống thay đổi và nhu cầu về sắc tranh dân gian trong ngày tết truyền thống dần mai một, người mua tranh Đông Hồ ngày một giảm đi. Nghệ nhân làm tranh bởi vậy mà cũng giảm đi dần. Từ 17 dòng họ làm tranh dân gian, đến này làng chỉ còn 2 dòng họ với 3 gia đình và 4 nghệ nhân.
Ai cũng muốn bảo tồn, nhưng khi sản xuất ra phải có đầu ra, phải có sự tiêu thụ, ít nhất là đủ để sống. Không thể trách người làm Đông Hồ không yêu, không giữ truyền thống dân gian của làng mình, bởi khi những giá trị văn hoá chưa thể gắn bó với người dân theo đúng nghĩa cơm áo gạo tiền, thì sự mai một, rời bỏ theo nhu cầu thị trường là khó tránh khỏi.
Cũng chẳng lấy làm lạ khi giữa cái trù phú của làng Đông Hồ hôm nay, ta bắt gặp sắc tranh dân gian lặng lẽ trong ngôi nhà ngập vàng mã của bà Hương, hay cái lắc đều nếu bảo quay lại làm nghề của chính những người đã đi qua những năm tháng nhà nhà tấp nập làm tranh. “Cũng tiếc chứ, tiếc cái lịch sử và truyền thống các thế hệ trước để lạị. Nhưng nghề Hàng Mã có lợi nhuận thì chúng tôi phải làm để nuôi sống bản thân trước đã. Sau này, nếu tranh Đông Hồ phục hồi trở lại thì làng này từ người già đến trẻ con sẽ trở lại làm tranh hết.” cụ Hoán, người làng tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
“Đam mê là không đủ, mà những đam mê ấy phải được hỗ trợ, được củng cố bới những lợi ích kinh tế. Làm được như vậy thì nó mới giúp cho cái việc duy trì làng tranh nso bền vững được” PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
2. Những thách thức đối với các nghệ nhân
Sự giảm sút về nhu cầu của tranh Đông Hồ cũng đồng nghĩa với việc những gia đình nghệ nhân đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì nghề.
“Lần đầu tiên mà tôi bán được hàng ấy, là tôi phải tự thân ra Hà Nội để quảng bá tranh. Có cái hội chợ nào liên quan đến ngày Tết là tôi sẵn sàng tôi đi, thậm chí tôi bỏ tiền ra thuê cửa hàng để có cơ hội giới thiệu sản phẩm.” - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ.
Hơn 20 năm kể từ khi phục hồi tranh Đông Hồ, cũng là từng ấy thời gian nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân cao tuổi nhất về tranh Đông Hồ hiện nay, lặn lội theo đúng nghĩa đen để tìm đầu ra cho tranh. Ông cũng như những nghệ nhân hiếm hoi còn lại của làng tranh Đông Hồ, hiểu được là muốn bảo tồn tranh, trước hết phải sống được với tranh, bán được tranh.
“Tranh Đông Hồ ngày xưa làm gì có lịch, nhưng bây giờ phải sáng tạo nó ra. Tranh Đông Hồ ngày xưa có dán vào mành đâu, nhưng bây giờ mình bồi vào mành chơi. Đó là cái mà mình phải biết sáng tạo ra để kích thích nhu cầu của khách hàng”
Tranh dân gian Đông Hồ giờ đây được đóng khung, dán mành, rồi những bản khắc in tranh quen thuộc trong tuổi đời 5 thế kỉ của dòng tranh này cũng được sáng tạo thành trnah khắc gỗ như một nét chế mới. Người nghệ nhân vẫn đang nỗ lực đối mới để sống được với nghề, để bên cạnh những bản khắc vài trăm năm tuổi vẫn được gìn giữ, có nhiều hơn những bản khắc mới được ra đời.
3. Nỗi lo thiếu thế hệ nghệ nhân trẻ kế cận
Nỗi lo cho tranh đông hồ cũng giống như chính những nỗi lo của những nghệ nhân cũ nay nhìn tiếp về thế hệ kế cận của họ vậy. Phòng học nhỏ với 2 dãy bàn kê ngay ngắn từng là nơi đào tạo vài khóa học dạy làm tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, thế nhưng giờ thì bỏ không, bởi chẳng có người theo học, trong khi người của khóa học cũ, thì cũng chẳng theo nghề.
Hiện nghề làm tranh dân gian Đông Hồ chủ yếu được truyền dạy và tiếp nối cho những gia đình nghệ nhân, như gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, người đang học và nối nghiệp ông để theo nghề là con trai Nguyễn Hữu Đạo.
Nguồn - Source: vtv.vn (2019), Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Đông Hồ
Comentarios